Hotline: (+84) 0911 818 663

Khánh Hòa: Hội thảo khoa học quốc tế về đổi mới và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19

Ngày 25 và 26-11, Trường Đại học Khánh Hòa phối hợp với Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Đổi mới và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19”. Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài nước, giảng viên và sinh viên của trường.

Tiến sĩ Phan Phiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo tham luận khoa học của các tác giả, nhóm tác giả đến từ Anh Quốc, Nepan, Tây Ban Nha, Việt Nam, trong đó có 77 báo cáo được phản biện và đưa vào kỷ yếu để thảo luận tại hội thảo. Nội dung các báo cáo khá đa dạng, phong phú, nhiều khía cạnh, đa chiều, tái hiện bức tranh du lịch trước, trong và sau đại dịch, từ phòng chống dịch, thích ứng với dịch đến phát triển sau dịch. Trong đó, tập trung vào 3 chủ điểm gồm: chính sách, giải pháp du lịch; sản phẩm, dịch vụ du lịch; nguồn lực, vận hành, truyền thông du lịch.

Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu.

Cụ thể, có 26 bài viết về đổi mới chính sách và giải pháp phát triển cho ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19, với các nội dung phong phú, hướng tiếp cận hiện đại, đối tượng nghiên cứu được mở rộng từ kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, chính sách của trung ương, đến chính sách của các địa phương.

GS.TS Ray Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Có 26 bài viết về đổi mới và phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch sau đại dịch Covid-19. Các tác giả đã hướng vào những sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, các giải pháp để phát triển bền vững du lịch, thích ứng với những biến động dịch bệnh, thiên tai.

Lãnh đạo Trường Đại học Khánh Hòa trao giấy chứng nhận và tặng hoa cho các đơn vị đồng tổ chức hội thảo và nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, có 25 bài viết về đổi mới và phát triển nguồn lực, vận hành, truyền thông và phát triển bền vững hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19. Các tác giả tập trung vào nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Hội thảo góp phần đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tìm ra những giải pháp tối ưu, đồng bộ và toàn diện để phục hồi hoàn toàn các hoạt động du lịch của Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng.

K.D