TTO – Mục tiêu 5 triệu hay 10 triệu khách chỉ là những con số không nhiều ý nghĩa nếu du lịch Việt Nam không có một kế hoạch tổng thể để thực hiện. Và đây chính là bài học hồi phục của du lịch Việt Nam sau đại dịch.
Ông Hoàng Nhân Chính, trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Hoàng Nhân Chính nói:
– Ngành du lịch đã không thể đón 5 triệu lượt khách quốc tế như kỳ vọng. Sẽ có câu hỏi: Liệu con số 5 triệu khách này có phải quá tầm với ngành du lịch Việt Nam hay quá ảo tưởng từ đầu hay không? Hoàn toàn không.
Biết trước nút thắt nhưng không gỡ được
* Nhiều nước mở cửa muộn hơn Việt Nam sau dịch COVID-19 nhưng ngành du lịch của họ hồi phục nhanh hơn. Điều này có bất thường?
– Theo ước tính của nhóm nghiên cứu thuộc TAB, cả năm 2022, Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu du khách nước ngoài, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và doanh thu liên quan đạt khoảng 4,5 tỉ USD. Trước dịch COVID-19, chúng ta đón hơn 18 triệu lượt khách, nếu so với mục tiêu 5 triệu thì chúng ta phục hồi chỉ bằng khoảng 27%.
Khi con số 5 triệu khách không đạt được trong khi các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch thì du lịch Việt Nam cần phải ngồi lại mổ xẻ, tìm nguyên nhân. Điều đó rất cần thiết.
* Vậy ông có bất ngờ gì với kết quả này?
– Ngay từ tháng 5-2022, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rằng nếu vẫn tiếp tục cách hồi phục như vậy thì con số đón 5 triệu lượt khách quốc tế rất khó đạt được.
Chúng tôi có khuyến nghị, đề xuất nhưng đáng tiếc không được lắng nghe. Đây là điều rất khác so với các nước. Cơ quan du lịch của các nước như Thái Lan, Singapore… khi họ cảm nhận con đường phục hồi có vấn đề, ngay lập tức họ “đi nói chuyện” với các cơ quan liên quan, có chính sách thích ứng.
Chúng ta vẫn theo cách làm cũ trong khi nếu có thay đổi về quảng bá, hay chính sách đón khách từ khoảng tháng 8 thì có lẽ giờ sẽ đạt kết quả khác.
“Thị trường quốc tế không phục hồi như kỳ vọng cũng có nghĩa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các hãng hàng không phải tiếp tục chật vật xoay xở và hàng trăm nghìn người lao động trong ngành sẽ còn khó khăn.” – Ông Hoàng Nhân Chính cho hay.
Mấu chốt là vấn đề visa
* Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến du lịch Việt Nam “đi trước về sau”?
– Mấu chốt vẫn là vấn đề visa. Nhiều năm nay, mọi người trong và ngoài ngành du lịch đều thắc mắc con số miễn thị thực 15 ngày mà Việt Nam đang quy định là dựa trên cơ sở nào. Có du khách quốc tế muốn ở lâu hơn phải bay sang nước khác rồi nhập cảnh lại.
Về quy định, du khách có thể gia hạn nhưng không dễ. Trong khi Luật xuất nhập cảnh đã cho phép du khách quốc tế có thể lưu trú từ 30 – 90 ngày. Đáng lẽ ra chúng ta phải tận dụng tối đa cái gì luật cho phép.
Khách không hẳn muốn được miễn thị thực để tiết kiệm 25 USD mà cái chính là họ phản ánh đang bị gây khó khăn, bất tiện khi muốn vào Việt Nam, từ thủ tục xin visa đến lúc nhập cảnh tại sân bay. Ở các nước, chính sách visa vẫn miễn nhưng không có nghĩa ai muốn vào thì vào, vẫn có những biện pháp kiểm soát và quốc gia họ vẫn đảm bảo an ninh.
Chúng ta không thể cứ quảng cáo, chứng minh là điểm đến được tìm kiếm trên Google nhiều hàng đầu khu vực nhưng du khách thì không thể vào.
Thứ nữa là chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng cho những doanh nghiệp trong ngành du lịch. Ngành du lịch cần được nhìn nhận và có sự hỗ trợ cụ thể hơn. Tất nhiên, các điểm nghẽn của du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải gỡ, từ sản phẩm khác biệt, nguồn nhân lực… đến sự tự nhận thức của doanh nghiệp để có thể sống sót, cạnh tranh.
Cần tổng chỉ huy mạnh
* Như vậy, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 nên như thế nào, thưa ông?
– Chúng tôi vẫn mong muốn du lịch Việt Nam giữ đà tăng trưởng bằng các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…, tức sẽ đặt mục tiêu tăng gấp đôi so với năm 2022.
Du lịch Việt Nam không nên vì con số 3,5 triệu lượt khách của năm 2022 mà chùn bước, tự đầu hàng với một kế hoạch dễ thực thi trong năm tới.
Mục tiêu đón 10 triệu khách quốc tế trong năm 2023 hoàn toàn có cơ sở, chỉ là chúng ta phải giải quyết vấn đề gì để đạt được con số ấy! Phải có kế hoạch rõ ràng từ xây dựng sản phẩm, tiếp thị đến các chính sách gỡ rối, cần ngành nào vào cuộc hay kịch bản để hàng không nhập cuộc đi trước ra sao?…
Phải phân vai, có một tổng chỉ huy, người cầm trịch để phân công trách nhiệm của từng bên. Hiện nay, vai trò đó đang mờ nhạt…