Hotline: (+84) 0911 818 663

Những điều thô lỗ nhưng du khách nghĩ bình thường

Nói tiếng Anh dù người địa phương nói ngôn ngữ khác, mặc cả để giảm giá quá thấp là những điều khách vô tình biến mình thành người thô lỗ.

Blogger du lịch Rocky Trifari, người vừa có một năm đi phượt khắp châu Âu trước dịch, cho rằng điều bắt buộc du khách cần làm là luôn chú ý đến cách cư xử khi ở nước ngoài, vì văn hóa mỗi nơi một khác. Còn Nick Leighton, chuyên gia về nghi thức xã giao sống tại New York, Mỹ cho biết các quy tắc hoặc nghi thức trên khắp thế giới có thể khác nhau, nhưng luôn có điểm chung là “ứng xử tử tế”. “Đối xử với mọi người bằng lòng tốt, sự trân trọng luôn được mọi người thấu hiểu, dù họ nói ngôn ngữ gì”.

Dưới đây là góp ý từ các chuyên gia du lịch về hành động bị đánh giá là thô lỗ nhằm giúp du khách tránh trở thành “những người xấu xí” khi đi du lịch.

Một du khách đang mua hàng tại chợ địa phương tại
Một du khách đang mua hàng tại chợ địa phương. Ảnh: TripAdvisor

Đừng nghĩ cả thế giới đều nói tiếng Anh

Jodi R.R. Smith, người đứng đầu Mannersmith Etiquette Consulting, công ty tư vấn về nghi thức xã giao Mỹ, cho biết: “Đừng cho rằng tất cả những người bạn gặp sẽ nói tiếng Anh”. Thay vào đó, hãy học vài cụm từ đơn giản tiếng địa phương để giao tiếp cũng như một chút phong tục địa phương để “có trải nghiệm thú vị hơn”.

Theo Jessica van Dop DeJesus, người sáng lập trang web hướng dẫn về nghi thức ăn, uống Dining Traveler, việc nói “cảm ơn”, “làm ơn” bằng tiếng địa phương hữu ích rất nhiều. Jessica thường dùng Google dịch để giao tiếp khi đi du lịch. Cô đánh giá đây là “công cụ tuyệt vời” để kết nối. Cô đã làm điều này trong chuyến đi Nhật Bản gần nhất, cảm thấy việc giao tiếp bằng ngôn ngữ của nơi mình đến mang lại trải nghiệm “tốt hơn”.

Không nghiên cứu nơi đến trước khi đi

Theo Leighton, mọi du khách đều sẽ có kỳ nghỉ vui vẻ nếu họ biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu làm điều gì đó. Không chỉ nghiên cứu văn hóa, phong tục địa phương, du khách cũng cần biết được những hành động nào bị cấm ở nơi mình đến. Những điều này theo Leighton, “chắc chắn không phải là bí mật”. Việc của các du khách là tìm hiểu. Điều này giúp bạn tránh những tình huống khó xử, bực bội, thậm chí là rắc rối với pháp luật.

“Hãy nhớ nói Bonjour (xin chào) khi bước vào một cửa hàng ở Pháp, luôn đưa danh thiếp bằng hai tay ở Nhật Bản”, Leighton gợi ý.

Blogger du lịch người Mỹ Rocky Trifari. Ảnh: Rocky Trifari
Blogger du lịch người Mỹ Rocky Trifari. Ảnh: Rocky Trifari

Mặc cả

Ở nhiều quốc gia, việc mặc cả khi đi mua đồ là điều bình thường, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi nơi. Một số nơi bán đúng giá niêm yết. Nhưng ngay cả ở những nơi chấp nhận giảm giá, việc mặc cả hạ giá quá thấp cũng khiến người địa phương nổi giận. Và giống như mọi khi, hãy nghiên cứu trước về nơi bạn đến để có ứng xử phù hợp.

Bỏ qua văn hóa tiền tip của địa phương

Văn hóa tiền tip trên thế giới khác nhau. Một số nước người lao động sống bằng tiền tip (như Mỹ) nhưng một số nơi, đây lại là hành động xúc phạm (Nhật Bản). Nếu không biết về văn hóa tiền tip khi đến một quốc gia, có thể nghiên cứu trên mạng hoặc hỏi những nguồn đáng tin cậy.

Quên rằng “mình chỉ là khách”

Cách tốt nhất để khiến một du khách được tôn trọng là họ luôn nhớ rằng họ đang làm khách ở một vùng đất xa lạ. Điều đó có nghĩa là bạn đến đây để khám phá, trải nghiệm; không phải thay đổi cuộc sống ở đây hay làm mọi thứ theo cách bạn muốn như ở nhà.

Do đó, thay vì khăng khăng đòi mọi thứ phải được làm theo cách bạn muốn hay phàn nàn về những trải nghiệm không thích ứng được, hãy tỏ ra lịch sự và khiêm tốn.

Lớn tiếng và om sòm

Jessica Van Dop DeJesus nói rằng nhiều du khách nói chuyện điện thoại rất to khiến toàn bộ nhà hàng, quán bar có thể nghe thấy. Hãy chú ý đến âm lượng của mình khi nói chuyện nơi công cộng, cũng tránh gây ồn ào như đóng sầm cửa xe.

Ngoài ra, cũng nên tránh say xỉn nơi công cộng khi du lịch nước ngoài. Không chỉ vô tình bạn tạo nên hình ảnh xấu của mình trong mắt người địa phương, mà còn trở thành đối tượng cho kẻ xấu như cướp giật, móc túi.

Chào mọi người một cách thô lỗ

Trifari cho biết việc chào hỏi một người có thể rất khác nhau tùy thuộc vào việc bạn đang ở nơi nào trên thế giới. Sự khác biệt văn hóa có thể dẫn đến việc sự chào đón nồng nhiệt bị coi là lạnh lùng, cứng nhắc hoặc không phù hợp. Tại Hà Lan, nếu hét lên chào ai đó từ xa bị coi là thô lỗ. Vì vậy, bạn nên vẫy tay.

Ở một số nơi, bạn bè và người quen có thể chào nhau bằng một nụ cười hoặc gật đầu thân thiện. Ở những nơi khác, mọi người có thể chào bằng một hoặc hai nụ hôn trên má. Điều quan trọng là bạn “biết phải làm gì” để tránh khỏi tình huống khó xử.

Anh Minh (Theo TripAdvisor, Huffpost)