(Dân trí) – So với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, quá ít khách quốc tế quay lại “thiên đường du lịch bụi” Khao San của Thái Lan khiến những người làm trong ngành phải “cầu cứu” chính phủ.
Những người bán hàng rong và kinh doanh trên đường Khao San ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, đang kêu gọi các cơ quan nhà nước đưa ra các chiến dịch quảng bá du lịch nhằm thu hút thêm khách nước ngoài quay trở lại sau đại dịch Covid-19.
Các quán bar, nhà hàng ngoài trời giá rẻ, những gánh hàng rong, đường ăn hè phố và đại lý du lịch nằm dọc theo tuyến đường. Bởi vậy, từ lâu nơi này vẫn được mệnh danh là “thiên đường du lịch bụi”. “Con phố ăn chơi nổi tiếng” này thuộc khu phố trung tâm của Bangkok, vốn là tụ điểm vui chơi của khách quốc tế.
Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu cách đây gần 3 năm, chính phủ Thái Lan ban hành lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt với du khách nước ngoài, việc nhập cảnh khó khăn hơn.
Đường Khao San không nằm ngoại lệ. Lượng khách tới đây sụt giảm mạnh. Những người bán hàng rong vốn phụ thuộc vào khách nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn vì không thể tiếp tục kinh doanh. Chủ nhà hàng, quán bar phải đóng cửa.
Từ 1/10 năm nay, dù Thái Lan đã mở cửa hoàn toàn, hủy bỏ các hạn chế du lịch và yêu cầu cách ly, cho phép người nước ngoài nhập cảnh, nhưng tình hình ở con phố này đến nay không mấy cải thiện.
Tờ Bangkok Post cho biết, nhiều người bán hàng rong nói, lượng khách quốc tế tới đây sau Covid-19 không nhiều như kỳ vọng.
Theo người đứng đầu hiệp hội điều hành doanh nghiệp trên đường Khao San, dù du khách đang quay lại Thái Lan, nhưng lượng khách tới “thiên đường du lịch bụi” vẫn chưa vượt qua mức 20% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Truyền thông Thái Lan nhận định, Covid-19 đã “cản trở” tham vọng của chính phủ nước này đối với “thiên đường du lịch bụi”.
Trước đó vào năm 2019, chính quyền thành phố Bangkok dự định sẽ chi 1,6 triệu USD để biến Khao San thành “phố đi bộ quốc tế”.
“Chúng tôi rất mong chờ họ quay trở lại. Nơi này thực sự cần khách quốc tế”, bà Somwang Charoensuk, 58 tuổi, một người bán quần áo vỉa hè, bày tỏ.
“Bám” vỉa hè mưu sinh suốt gần 30 năm qua, bà Somwang cho biết, hiện lượng khách nước ngoài đến Khao San vẫn rất thưa thớt.
Cũng như nhiều tiểu thương khác, bà Somwang bày tỏ nguyện vọng chính quyền nên đưa thêm nhiều chiến dịch du lịch thúc đẩy mọi người tới Khao San cũng như các điểm đến nổi tiếng khác trên đảo Rattanakosi.
“Trước Covid-19, tôi kiếm được 5.000 đến 6.000 baht mỗi ngày (3,4 triệu đồng đến 4,1 triệu đồng), thì giờ chỉ được 1.000 đến 2.000 baht là cùng (700 nghìn đến 1,4 triệu đồng). Kinh tế khó khăn, khách nước ngoài cũng chi tiêu thận trọng hơn. Họ luôn mặc cả rất sâu mới mua”, một tiểu thương khác cho biết.
Trong khi đó, chị Khwanthip Jungthong, 39 tuổi, bán đồ ăn vỉa hè, từng kiếm tới 8.000 baht (5,5 triệu đồng) mỗi ngày, thì nay con số đó chỉ khoảng 3.000 baht (2 triệu đồng). “Tôi làm quần quật từ 13 giờ tới gần nửa đêm mới được chừng đó”, chị nói.
Người phụ nữ bán hàng rong này cũng mong muốn cơ quan chức năng tạo ra những chương trình khuyến mãi vào dịp cuối tuần, tổ chức nhiều lễ hội lớn có quy mô hoành tráng để hút khách nước ngoài.