Đầu tháng 12, JP Klovstad, người Na Uy, có chuyến đi tới chợ nổi Long Xuyên và ghi lại những hình ảnh về cuộc sống nơi đây.
Nằm trên khu vực sông Hậu, gần trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên là một địa điểm tham quan nổi tiếng ở An Giang. Điểm xuất phát của chợ nổi bắt đầu từ phà Ô Môi, chạy dài theo bờ sông Hậu khoảng 2 km, nằm trong địa phận phường Mỹ Phước và Mỹ Long. Chợ họp nhộn nhịp nhất là vào khoảng 4h, và vãn chợ tầm 8h.
JP Klovstad, 62 tuổi, nhiếp ảnh gia người Na Uy, đến chợ lúc 5h, trời chưa sáng hẳn nhưng đã có tiếng máy nổ của ghe xuồng. Người dân ở đây thức dậy sớm, chuẩn bị cho một ngày mưu sinh.
Các loại mặt hàng chủ yếu ở chợ là rau củ quả mà người dân thu hoạch từ vườn nhà, chất đầy ghe và từ các nhánh sông, tập trung tại khu vực chợ. Tùy thuộc thời tiết mà du khách đón bình minh trên chợ nổi. Nếu không có được bình minh như mong đợi, không gian huyên náo của tiếng ghe xuồng và tiếng gọi nhau của thương hồ cũng là một nét đặc trưng có thể gây tò mò cho khách phương xa.
Thương hồ hay du khách thăm chợ nổi từ sáng sớm tranh thủ cập mạn ghe lót dạ bằng bữa sáng quen thuộc như bún riêu, bún nước lèo, bún mắm, hay bún thịt nước… với giá dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng. Một ly cà phê đen đá hay cà phê sữa giá tầm 12.000 đồng.
Việc mua bán trên chợ nổi diễn ra rất nhanh chóng, ít mặc cả.
Sống ở Việt Nam 20 năm, di chuyển khắp nơi để chụp ảnh, ông JP luôn thấy thích thú và đồng cảm với những phận đời lênh đênh trên sông nước. “Có thể họ không giàu vật chất, nhưng lúc nào cũng cười tươi, thể hiện sự vui tươi, lạc quan. Tôi cảm nhận được điều đó”, JP nói.
Đến chợ nổi, nhiều du khách phương xa thắc mắc về “cây bẹo”. Đây là kiểu quảng cáo hàng hóa chỉ có trên chợ nổi miền Tây. Khách hàng có thể nhìn vào cây bẹo trước mũi ghe để chọn sản phẩm mình muốn mua. Mỗi ghe sẽ treo một món hàng khác nhau, từ rau, củ, quả cho tới những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày.
Nhiều người sau khi thu mua lại hàng từ các ghe lớn neo đậu tại chợ nổi, họ đi xuồng máy vào sâu các kênh rạch cho đến khi bán hết.
Không gian chợ nổi còn có những chiếc ghe đậu cố định trên mặt sông nhờ hệ thống thùng phi hay lốp xe. Nhiều người trong số những cư dân ở đây là người Việt trở về từ Campuchia.
Vì sống trên mặt sông, ghe chính là ngôi nhà che mưa che nắng, là phương tiện di chuyển chính của người dân. Nửa phần sau của ghe là phần sinh hoạt của gia đình như phơi đồ, hoặc rửa chén bát. Một chiếc ghe lớn sẽ có thêm một ghe nhỏ neo đậu bên cạnh để chủ nhân tiện di chuyển vào các con lạch hay vào bờ.
Nhiều người còn nuôi cả thỏ và gà đá trên ghe. Một số ghe có lưới cào xuống lòng sông để bắt tôm cá.
Trẻ em trên các chợ nổi luôn được cha mẹ theo dõi sát sao nhất. Chúng được lắp cũi hoặc giăng lưới để đảm bảo an toàn, không rơi khỏi ghe. Do điều kiện kinh tế khó khăn, đa phần nghỉ học từ rất sớm hoặc chỉ học hết bậc tiểu học, sau đó theo phụ giúp cha mẹ.
Ngày nay, giao thông đã thuận lợi và phát triển hơn xưa nhưng cuộc sống ở chợ nổi vẫn tồn tại và giữ nguyên vẹn hình thức sinh hoạt cho đến ngày nay.
Có khoảng 50 chiếc ghe tập trung trên mặt sông tạo thành quần thể sinh hoạt hàng chục năm nay – một nét văn hóa Tây Nam Bộ.
Thanh Thu
Ảnh: JP Klovstad