Sau Covid-19, nhiều thói quen du lịch thay đổi, nhiều xu hướng mới xuất hiện và nhu cầu ngày càng lớn.
Dưới đây là những xu hướng được các tạp chí lớn trên thế giới giới thiệu trong năm vừa qua như xu hướng mới của thế giới.
Du lịch xanh
Sau hơn 2 năm ngành du lịch toàn cầu đóng băng, người dân phải ở nhà cách ly, việc di chuyển, lưu trú và thủ tục xét nghiệm gây ra nhiều bất lợi khiến hành vi của con người cũng thay đổi. Thay vì chọn du lịch nghỉ dưỡng đắt đỏ như trước, khách du lịch quan tâm tới du lịch xanh – loại hình dựa vào việc phát triển tự nhiên và văn hóa, hạn chế tối đa tác động xấu tới môi trường như xả thải, xâm hại và bóc lột động thực vật, khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên văn hóa, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một nghiên cứu vào tháng 8 của Công ty tư vấn Anh có trụ sở tại 27 quốc gia trên thế giới, Simon-Kucher & Partners, cho thấy 61% số người dân nước này khi được hỏi đều sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một chuyến du lịch nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường so với kiểu truyền thống. Họ chấp nhận di chuyển bằng những phương tiện giao thông xả ra ít khí thải hơn như xe điện, xe đạp trong quá trình đi nghỉ dưỡng, hạn chế tối đa đồ ăn nhanh, cốc nhựa, chai nhựa và việc sử dụng vật liệu tái chế được ưu tiên.
Theo Travel Channel, xu hướng du lịch này không chỉ mang lại ý nghĩa tích cực tới môi trường, thiên nhiên mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn, nâng cao cơ hội việc làm cho những người dân sinh sống ở những vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi còn có nhiều lạc hậu nhưng có bề dày văn hoá và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ.
Du lịch kết hợp làm việc từ xa
“Digital Nomad” (Du mục kỹ thuật số) là một thuật ngữ tiếng Anh chỉ những người làm việc từ xa đến từ nhiều nơi. Những người này người kiếm tiền thông qua môi trường Internet trong các lĩnh vực như: marketing, sáng tạo nội dung, IT, tư vấn viên, biên tập viên hay thiết kế. Họ hoàn toàn độc lập và không bị ràng buộc bởi những công việc văn phòng hay làm việc tại nhà. Họ thường không ở cố định tại một nơi mà đi khắp nơi vừa tận hưởng vừa thay đổi không gian làm việc.
Xu hướng làm việc từ xa này càng trở nên phố kể từ sau Covid-19, nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt của giới trẻ. Theo tạp chí Forbes, hiện trên toàn cầu ước tính có khoảng 4,8 triệu du mục kỹ thuật số, trong đó thế hệ Gen Y và Gen Z chiếm hơn 50%. Một cuộc khảo sát khác của Gallup Mỹ, có tới hai phần ba số người tham gia chia sẻ rằng họ muốn duy trì lối sống làm việc từ xa cũng ngay cả sau khi đại dịch Covid đã qua đi.
Có nhiều lý do để giải thích cho sức hút của xu hướng này với giới trẻ hiện nay như: môi trường và thời gian làm việc không gò bó, giảm bớt căng thẳng và áp lực công việc, được gặp gỡ nhiều nền văn hoá và khám phá nhiều điều mới mẻ mở rộng tầm hiểu biết của bản thân.
Du lịch ngủ
Khái niệm “Sleep tourism” (du lịch ngủ) chỉ những du khách chọn đi du lịch chỉ để ngủ trong nhà nghỉ, homestay, khách sạn. Theo nghiên cứu của nền tảng Sleep Foundation, ước tính có tới 50 đến 70 triệu người Mỹ trưởng thành bị mắc hội chứng rối loạn giấc ngủ. Nghiên cứu khác trên Tạp chí y học về giấc ngủ lâm sàng thống kê hơn 40% trong số hơn 2.500 người lớn tham gia khảo sát cho biết chất lượng giấc ngủ của họ bị suy giảm kể từ khi mắc Covid-19. Nắm bắt nhu cầu đó nhiều cơ sở du lịch trên thế giới đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu này và đặc biệt hướng tới phục vụ những người bị thiếu ngủ.
Theo CNN, trong năm 2022 vừa qua, khách sạn khách sạn Park Hyatt New York (Mỹ) đã khai trương Bryte Restorative Sleep Suite – loại phòng rộng hơn 80 m2 thiết kế đầy đủ tiện nghi và khả năng cách âm đặc biệt để nâng cao chất lượng giấc ngủ. Tại London (Anh) Zedwell là khách sạn tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh phòng nghỉ, tập trung tối đa vào giấc ngủ, khai trương năm 2020. Các phòng ốc ở đây đều được trang bị hệ thống cách âm tốt, giường đệm êm ái và phù hợp nhất cho việc ngủ. Năm 2021, một thương hiệu giường tại Thụy Điển đã thành lập Hästens Sleep Spa (Khách sạn trị liệu giấc ngủ) ở thành phố Coimbra, Bồ Đào Nha, gồm 15 phòng đặc biệt để phục vụ giấc ngủ trọn vẹn nhất.
Ngoài giúp cải thiện giấc ngủ, xu hướng du lịch này này còn giúp du khách trẻ hoá cơ thể và tâm trí, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, lo âu với chi phí tiết kiệm, phù hợp nhiều đối tượng.
Du lịch chữa lành
Sau Covid-19, mọi người ngày càng quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, sống lành mạnh hơn. Wellness Travel là hình thức du lịch không mới nhưng có xu hướng phát triển mạnh trong 2 năm nay, tập trung vào hoạt động thể chất và tinh thần. Đây chính là loại hình du lịch không hướng du khách đến các hoạt động cần phải di chuyển, tham quan, khám phá quá nhiều.
Những tour du lịch chữa lành được thiết kế nhắm vào mục đích tăng cường sức khỏe cho du khách, tái tạo cơ thể bằng việc khai thác nhiều hoạt động về thể dục thể thao, tâm lý hay tâm linh. Điển hình là việc thực hiện những liệu trình chăm sóc sức khỏe như massage, yoga, thiền kết hợp việc tham quan du lịch những địa điểm linh thiêng, giàu tính tâm linh từ đó du khách sẽ cảm thấy thư thái, khoẻ mạnh, đưa cơ thể đạt trạng thái cân bằng.
Theo báo cáo của The Global Wellness Institute, đến cuối 2019, mô hình du lịch này đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và được dự báo tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5% hằng năm. Đến hết năm 2022 kinh doanh trong mảng du lịch chữa lành ước đạt mức 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng thị trường du lịch thế giới. Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ, Philipines với những hòn đảo trong lành kết hợp với tham quan chùa chiền.
Sang Sang