Các nhà khoa học đã khai quật “nghĩa địa tập thể” của loài khủng long, được xem là phong phú nhất thế giới khi có khoảng 58 loài khủng long và hàng nghìn mẫu hóa thạch bị chôn vùi dưới lòng đất từ cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 70 triệu năm trước.
Nghĩa địa của 58 loài khủng long
Hầu hết di sản tự nhiên ở tỉnh Alberta, phía tây Canada, là công viên quốc gia, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt nhằm giữ gìn môi trường sống trong lành cho con người và bảo tồn động vật hoang dã. Những di sản thiên nhiên này còn mang tính biểu tượng của phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ Canada, hàng năm thu hút hơn 10 triệu khách thưởng lãm đến từ các nơi trên thế giới.
Bên cạnh phần lớn những di sản thiên nhiên với cảnh quan đẹp thuần khiết mang theo sự tươi mát của những cánh rừng rộng lớn, dãy Rocky Mountain hùng vĩ, sông băng, hồ, thác nước, hẻm núi cùng vô số động vật hoang dã sinh sống…, Alberta còn có công viên hóa thạch khủng long địa hình cằn cỗi, khô hạn như thường thấy ở khu vực Bắc Mỹ.
Điều gì làm cho vùng đất này nổi tiếng so với các công viên khác, đó là nơi nhà địa chất học Joseph Burr Tyrrell phát hiện bộ xương khủng long Albertosaurus đầu tiên khi đang tìm kiếm mỏ than 1884. Để rồi từ đó, các nhà khoa học đã khai quật, khám phá ra nghĩa địa tập thể của loài khủng long, được xem là phong phú nhất thế giới khi có khoảng 58 loài khủng long và hàng nghìn mẫu hóa thạch bị chôn vùi dưới lòng đất từ cuối kỷ Phấn Trắng khoảng 70 triệu năm trước.
Do tầm quan trọng về cổ sinh vật và cảnh quan, năm 1955 công viên được thành lập và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1979. Năm 1985, Bảo tàng Cổ sinh vật học mang tên Tyrrell được thành lập để vinh danh nhà địa chất học Joseph Burr Tyrrell và là nơi trưng bày hóa thạch khủng long lớn nhất thế giới. Năm 1990, bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell (Royal Tyrrell Museum of Palaeontology) sau khi được Nữ hoàng Elizabeth II ban tặng danh hiệu hoàng gia.
Đi theo một nhóm nhiếp ảnh gốc Việt khởi hành từ thành phố Calgary từ 4 giờ 30 sáng, sau hai tiếng đồng hồ vượt qua chặng đường hơn 145 km chúng tôi có mặt tại thị trấn Drumheller – còn được mệnh danh là thị trấn khủng long. Từ đây đi tiếp về hướng đông để đến thung lũng cùng tên Drumheller được xem là vùng lõi của miền đất hoang mạc và nóng nhất tỉnh Alberta, cho dù có con sông Red Deer chạy dọc theo núi sa thạch theo hướng đông bắc.
Đây là khu vực mà theo anh Đỗ Thành, nhiếp ảnh gia sống tại thành phố Calgary: “Bất cứ khách du lịch nào tới công viên khủng long cũng không thể bỏ qua bởi thung lũng là nơi vùi lấp nhiều hóa thạch khủng long phong phú nhất thế giới… Cộng với quần thể Hoodoos of Drumheller, tức quang cảnh đồi núi với những cột đá nhiều màu độc đáo. Tuy nhiên, đối với thổ dân da đỏ thì Hoodoos ám chỉ những cái ác hoặc thế lực siêu nhiên”.
Xe đột ngột rẽ ngang con đường nhỏ rồi cũng nhanh chóng tấp vào bãi xe vắng lặng bên đường. Trời bắt đầu sáng dần, hướng tầm mắt nhìn về phía đối diện, tôi nhận ra hơn chục cột đá cao từ 5 đến 7m, hình thù giống cây nấm hoặc ống khói nằm giữa hàng rào sắt bảo vệ chung quanh nhằm đề phòng khách leo trèo, hủy hoại.
Tiền thân của chúng vốn là khối đá sa thạch trải qua hàng triệu năm bị gió, nước và các chu kỳ đóng băng – tan băng bào mòn nhưng vẫn đứng vững nhờ phần trên đỉnh đá cứng hơn, đã làm chậm quá trình phân hủy lớp đá mềm phía dưới. Theo thời gian hình thành những tác phẩm nghệ thuật như vậy. Tất nhiên, những Hoodoos không thể tồn tại mãi mãi vì cứ mỗi năm phần thân của chúng mòn mất một cm.
Ngoài ra, theo anh Đỗ Thành: Để bảo vệ chúng, theo Đạo luật Tài nguyên Lịch sử, khách du lịch bất luận bản địa hay nước ngoài không được xâm phạm cảnh quan. Nếu vi phạm có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 50.000 đô la Canada hoặc một năm tù. Điển hình là cách đây không lâu, một người đàn ông ở thành phố Calgary bị bắt quả tang khi đang khắc tên con gái và từ “Columbia” vào một trong những cột đá. Anh ta may mắn chỉ bị phạt 1.000 đô la Canada do không đọc được tiếng Anh trên biển cảnh báo dựng trong khu vực tham quan.
Trong khi nhóm nhiếp ảnh “dàn trận” chọn vị trí đặt máy ảnh hướng tới quần thể Hoodoos chờ vạt nắng hừng đông đầu tiên để kịp bấm máy thì tôi men theo lối mòn đi lên núi. Nhờ vậy mới phát hiện không phải Hoodoos chỉ quần tụ dưới chân núi mà mọc khắp mọi nơi trong thung lũng rộng lớn, cả trên những sườn núi đá cheo leo.
Những mảnh hóa thạch ở Hẻm núi Móng Ngựa
Cảnh quan đồi núi Hoodoos tương tự địa danh Horseshoe Canyon – Hẻm núi Móng Ngựa ẩn mình giữa thảo nguyên bát ngát cách thị trấn Drumheller 17 km về phía tây, tức trên đường cao tốc số 9. Đây là kết quả của sự phong hóa, xâm nhập từ một dòng sông lớn chảy qua tầng địa chất tạo thành hẻm núi ngầm hình chữ U sâu hun hút và mỗi nhánh dài khoảng 3 km cùng những ngọn đồi thấp hình móng ngựa.
Thật lý tưởng cho bất cứ ai muốn tận hưởng chuyến dã ngoại dưới thung lũng – nơi mà các loài khủng long từng sinh sống trong môi trường khắc nghiệt triệu triệu năm trước kia. Khách cũng có thể nhìn thấy những mẫu xương vỡ vụn của chúng xuất lộ trên lối mòn giống như trường hợp cậu bé Nathan Hrushkin 12 tuổi đã tình cờ phát hiện mảnh xương lớn thuộc về một con khủng long mỏ vịt (Hadrosauridae) ở ngọn đồi nhỏ trong khi tham quan cùng ông bố vào tháng 10.2020 vừa qua.
Sau khi trải nghiệm không gian hoang mạc Hoodoos và Hẻm núi Móng Ngựa, chuyến đi đến Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell đã đưa chúng tôi qua mọi thời đại của khủng long, cả những câu chuyện về cuộc sống và cái chết của chúng.
Bước vào sảnh, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước bộ sưu tập với hơn 40 bộ xương loài khủng long khác nhau được lắp ghép hoàn chỉnh từ những hóa thạch được tìm thấy tại công viên. Để tạo ra sự hấp dẫn, mỗi bộ xương trưng bày tại đây được xếp đặt, tạo dáng không chỉ vô cùng dũng mãnh mà còn trình tự theo thời gian.
Hãy bắt đầu ngắm nhìn từ loài Albertosaurus, có nghĩa là “Thằn lằn Alberta”, được phát hiện đầu tiên trong công viên. Nhưng kích thước của nó chẳng thấm vào đâu so với bản gốc bộ xương Tyrannosaurus rex – thằn lằn bạo chúa hay khủng long bạo chúa, bởi là chúa tể loài động vật ăn thịt trên cạn mọi thời đại. Rồi Compsognathus ăn thịt kích cỡ bằng con gà tây cho tới Centrosaurus một sừng chỉ ăn cây cỏ; Triceratop – khủng long ba sừng với chiếc đầu kềnh càng; Thằn lằn biển – loài bò sát dài 15 mét… và cả Mammoth Steppe – voi ma mút của kỷ Băng Hà.
Ngoài những mẫu vật hầu hết cách đây 70 triệu năm, bảo tàng còn triển lãm một hóa thạch giáp long 110 triệu năm tuổi thuộc họ Ankylosaur được phát hiện năm 2011. Đây là hóa thạch khủng long cổ nhất nhưng lớp vảy giống bộ giáp bảo vệ cơ thể vẫn còn nguyên vẹn chẳng khác xác ướp. Để khai quật nó – một mẫu vật dài 5,5 mét giống như con rồng đang ngủ nặng trên 7 tấn, các nhà khảo cổ phải mất 6 năm trích xuất.
Hầu như bảo tàng luôn làm mới mình bằng cách giới thiệu những kết quả mới được khai quật hàng năm. Điển hình như năm 2020, mặc dù từng có lúc bảo tàng phải tạm đóng cửa vì phòng, chống dịch Covid-19 nhưng cũng kịp công bố trước công chúng bộ xương Coelodonta – còn gọi tê giác lông cừu – loài động vật có vú trên cạn đã tuyệt chủng cách đây 12.000 năm.
Thăm các phòng trưng bày bộ xương khủng long thực sự là hành trình xuyên thời gian với sự hỗ trợ thuyết minh bằng 7 thứ tiếng phổ biến trên thế giới khi khách cài App của bảo tàng và tương tác với các nhà cổ sinh vật học, kỹ thuật viên chuyên nghiên cứu, lắp ghép hóa thạch. Sau hết, khách đừng quên đi theo con đường mòn quanh khu vực lòng chảo nằm ngoài bảo tàng để quan sát thực tế dấu tích khai quật – vị trí được xem là “nghĩa địa khủng long”. Tuy nhiên, khách không được phép đào hoặc lấy hóa thạch tại đây.